Ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo trên xã hội Hàn Quốc Cơ_Đốc_giáo_tại_Hàn_Quốc

Cơ Đốc giáo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi Hàn Quốc từ xã hội phong kiến sang xã hội hiện đại. Song không phải lúc nào cũng có thể phân biệt rạch ròi giữa nguyên nhân và kết quả, cũng giống như câu hỏi về con gà và quả trứng, ai có trước? Bất cứ điều gì Cơ Đốc giáo làm cho xã hội Hàn Quốc cũng sẽ khiến có nhiều người hơn hoặc chấp nhận hoặc khước từ đức tin này trong tương lại. Vì vậy, dù phân biệt giữa nguyên nhân và hệ quả có giúp làm sáng tỏ vấn đề, cần nhớ rằng một sự phân tích như thế có thể còn nhiều thiếu sót.

Giáo dục

Ảnh hưởng ban đầu của sự kiện Cơ Đốc giáo đem đến cho Hàn Quốc một nền giáo dục hiện đại đã được đề cập ở trên. Tiến trình phát triển chữ viết Hangul qua công tác truyền bá văn chương Cơ Đốc và qua mạng lưới trường học được thành lập bởi các hội truyền giáo đã giúp nâng cao mặt bằng văn chương của đất nước. Chữ Hangul, dù được phát kiến từ năm 1443 bởi những học giả trong triều Vua Sejong (Thế Tông), trong suốt vài thế kỷ vẫn không được quan tâm vì cớ ưu thế văn hoá vượt trội của chữ Hán. Giáo hội Công giáo là tổ chức đầu tiên chính thức công nhận giá trị chữ Hangul. Giám mục Berneux (tử đạo năm 1866) yêu cầu tất cả trẻ em Công giáo cần được học để biết đọc loại chữ này. Các giáo hội Kháng Cách cũng đòi hỏi tín hữu phải biết đọc chữ Hangul như là điều kiện tiên quyết để được dự thánh lễ Tiệc Thánh. Số phụ nữ biết đọc chữ Hangul gia tăng mau chóng, trong một xứ sở mà phụ nữ từ lâu vẫn bị loại khỏi hệ thống giáo dục.

Kinh tế

Kinh tế là một lĩnh vực khác mà tinh thần Cơ Đốc được xem là một trong những nhân tố giúp tạo ra những chuyển biến có tính đột phá. Các tín hữu Cơ Đốc, với xác tín mạnh mẽ vào các giá trị Cơ Đốc, đã đóng góp tích cực vào phép mầu phát triển kinh tế của đất nước này. Họ xem đức tin là nhân tố quan trọng tạo ra sự tăng trưởng và tiến bộ của xã hội Hàn Quốc trong các lĩnh vực khác nhau trong ba thập niên qua, họ cũng tin rằng sự thành công và thịnh vượng và chỉ dấu của phước hạnh đến từ Thiên Chúa.

Quan hệ xã hội

Có lẽ không nơi nào mà các giá trị Cơ Đốc lại có ảnh hưởng mang tính cách mạng như trong lãnh vực quan hệ xã hội. Theo truyền thống, xã hội Hàn Quốc rất mực tuân giữ tôn ti trật tự đặt nền tảng trên những nguyên tắc Khổng học dưới quyền cai trị của một hoàng đế được xem là thiên tử. Không có một quyền xã hội nào được dành cho phụ nữ;[17] trẻ con phải tuyệt đối tuân phục cha mẹ,[18] và cá nhân không có quyền gì ngoài những quyền được xã hội ban cho. Cấu trúc này bị thách thức triệt để bởi sự dạy dỗ của Cơ Đốc giáo cho rằng mọi người được tạo dựng theo "Hình ảnh của Thiên Chúa",[19] và mỗi cá nhân đều có giá trị tự thân. Liên kết chặt chẽ với khái niệm này là sự tập chú vào quyền tư hữu. Tín hữu Cơ Đốc xem nhà vua chỉ đơn thuần là một con người và phải thần phục Thiên Chúa như mọi thần dân của nhà vua.[20] Họ cũng học biết rằng thẩm quyền của Thiên Chúa là lớn hơn của nhà vua. Sự truyền bá các giá trị Cơ Đốc đã góp phần vào công cuộc giải phóng phụ nữ và bảo vệ quyền trẻ em.[17] Kể từ năm 1784, Công giáo nói riêng và Cơ Đốc giáo nói chung, cho phép các góa phụ tái hôn (điều này vẫn bị cấm đoán trong các xã hội Đông Á), nghiêm cấm đa thê và quan hệ ngoài hôn nhân, cấm đoán hành vi bạo hành cũng như ruồng bỏ vợ. Cha mẹ có niềm tin Cơ Đốc học biết xem con cái là sự ban cho của Thiên Chúa và họ có bổn phận phải dạy dỗ con cái của mình.[21] Tục tảo hôn và tệ hắt hủi con gái cũng bị cấm.

Thần học Minjung

Khái niệm Cơ Đốc về giá trị cá nhân tìm thấy sự thể hiện trong một cuộc đấu tranh lâu dài cho nhân quyền và dân chủ. Trong những năm gần đây, khái niệm này được biết đến trong hình thức của nền thần học Minjung ("Dân chúng"). Đặt nền tảng trên khái niệm "Hình ảnh của Thiên Chúa", liên kết với một học thuyết truyền thống của Hàn Quốc Han (không thể dịch sang ngôn ngữ khác, nhưng ngụ ý một cảm giác về sự đau đớn không thể xoa dịu và nỗi vô vọng cùng cực), Thần học Minjung miêu tả người dân Hàn như là những chủ nhân xứng đáng cho số phận của mình. Nhấn mạnh vào tinh thần dân tộc và nhân quyền, thần học Minjung ngày càng thu hút cả cánh tả lẫn cánh hữu của xã hội Hàn Quốc. Hai trong số những nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng nhất Hàn Quốc, Kim Young-sam (Kim Vịnh Tam) và Kim Dae-jung (Kim Đại Trung) đều ủng hộ thần học Minjung.[22] Cả hai đều trải qua nhiều năm trong vai trò đối lập với chính phủ quân sự tại Hàn Quốc, đều nhiều lần bị giam giữ. Kim Young-sam, một tín hữu Trưởng Lão, và Kim Dae-jung, một tín hữu Công giáo, đều lần lượt đảm nhiệm chức vụ tổng thống của quốc gia này sau khi nền dân chủ được phục hồi năm 1988.

Một thể hiện khác của thần học Minjung trong những năm cuối cùng của chế độ Park Chung-hee (Phác Chánh Hy; 19611979) là sự trỗi dậy của một vài tổ chức Cơ Đốc như Phong trào nông dân Công giáoSứ mạng công nghiệp đô thị (Kháng Cách), vận động cho mức lương cao hơn cũng như điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân nông nghiệp và công nghiệp. Xem những phong trào như thế như là mối đe doạ cho sự ổn định xã hội, chính phủ đã cho bắt giữ và cầm tù nhiều người trong số các thủ lĩnh phong trào. Cuộc đấu tranh xảy ra cùng lúc với tình trạng bất ổn mà cao điểm là vụ ám sát Tổng thống Park vào ngày 26 tháng 10 năm 1979.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cơ_Đốc_giáo_tại_Hàn_Quốc http://www.gordsellar.com/2007/07/27/on-the-appare... http://news.hankooki.com/lpage/culture/201103/h201... http://go.hrw.com/atlas/norm_htm/skorea.htm http://www.nytimes.com/2008/10/14/world/asia/14iht... http://www.youtube.com/watch?v=uGQzS7RA9zU http://muse.jhu.edu/login?uri=/journals/buddhist-c... http://lifechurch.co.kr/ http://www.yonhapnews.co.kr/bulletin/2011/02/15/02... http://www.ekoreajournal.net/archive/detail.jsp?BA... http://www.ekoreajournal.net/archive/detail.jsp?BA...